Vì sao cứ trì hoãn mãi?
Hôm đó là tối ngày mùng 1 Tết
Ngồi cạnh chiếc máy tính của mình, màn hình đã mở.
Nhưng mình vẫn không muốn làm bất cứ thứ gì.
- Ủa, vẫn còn Tết?
- Ủa, vẫn còn tận ba ngày để cho phép mình được nghỉ ngơi?
- Ủa, mới đầu năm thôi mà, cần gì mà vội vàng?
Nhìn rất nhiều lần vào to-do-list, một mắt nhắm, một mắt mở, mình chỉ muốn được trì hoãn.
Nhưng liệu ngày mai mình có thật sự sẵn sàng? Điều gì vào ngày mai sẽ giúp mình vượt qua được trì hoãn này?
Chỉ có thể là nhờ vào “deadline”.
Lạ thật…
Tại sao mình lại ép bản thân vào một tình huống không còn sự lựa chọn?
Tại sao mình lại cần quá nhiều vào động lực để bắt đầu?
Tự trách móc rằng, sao mình sống chẳng theo một nguyên tắc nào. Nguyên tắc có thể làm mình trở nên cứng nhắc, nhưng ít nhất, nó hiệu quả…cho đến khi nó không còn hiệu quả nữa.
Nghĩa là như thế nào? Bởi vì đó cũng chỉ là nguyên tắc, là lời hứa chính bản thân mình tự đặt ra. Hoạt động hay không, dựa vào mình có muốn hay không.
Vậy điều gì mới thật sự hiệu quả để vượt qua sự trì hoãn?
Đi tới đi lui trong một cái góc vỏn vẹn 6m2, nơi kê vừa đủ một chiếc bàn làm việc và một chiếc ghế xoay. Mình tự đưa ra những giả thuyết vô cùng đơn giản:
Không nộp báo cáo, không hoàn thành công việc tốt, bị đánh giá thấp, bị đuổi việc, không có tiền ăn, thậm chí không có cả tương lai.
Vậy thì, đây có phải là TRÁCH NHIỆM?
Chỉ khi có trách nhiệm với chính mình, bất kể lý do gì, bạn mới hành động.
- Bạn tập thể dục vì bạn có trách nhiệm với sức khoẻ của bạn.
- Bạn làm việc vì bạn có trách nhiệm với tương lai của bạn.
- Bạn yêu thương gia đình vì bạn có trách nhiệm với sự hy sinh của họ.
Trách nhiệm, viết ra tuy ngắn, nhưng ý nghĩa thì vô tận.
Nếu bạn đang còn băn khoăn hoặc mơ hồ chưa thể nhận ra trách nhiệm của mình đối với tương lai, hãy trả lời duy nhất một câu hỏi:
“Tôi có trách nhiệm gì đối với hôm nay của mình?
Love,